VN88 VN88

Lỡ lầm

Chương 2

Năm giờ chiều rồi, Phúc hối hả đẩy xe ra chợ. Người cô nhừ nhừ khó chịu, đầu hơi nhức và mũi cứ sụt sịt thật dễ ghét. Cô đẩy xe ba bánh vào giữa sạp đến trước hàng của mình.
Bà Thanh ngạc nhiên:
– Thằng Khải đâu?
– Chờ hoài không thấy ảnh, nên con đạp xe ra luôn.
Cô hít mũi:
– Trời bữa nay khó chịu quá hở má?
Bà Thanh nhìn trời lo lắng:
– Muốn mưa con à! Thôi chất hàng lên đi. Chắc một chút nó ra tới chớ gì.
Phúc vội vàng phụ mẹ khiêng hàng lên xe.
– Chị Tâm về lâu chưa má?
– Mới về, nó phụ dọn rồi mới về, chiều nay mới thu vào năm cây đường
Cô theo thứ tự xếp những bao, những gói vào đúng vị trí đã tính toán trước. Anh Khải cũng hay, ảnh tính kĩ lắm, thứ gì để dưới, thứ gì để trên, vừa sít sao một xe. Coi thế mà cũng phải mất khoảng hơn ba mươi phút chớ đâu ít. Hôm nay lại thêm năm chục kí đường khá nặng. Phúc hơi uể oải
Bà Thanh ái ngại nhìn con. Bà thấy Phúc có vẻ bơ phờ, bà nghĩ:
– “Có lẽ trời nóng quá, con nhỏ đừ”
Phúc ngồi trên sạp:
– Xong rồi, má về trước đi, con ở đây đợi anh Khải.
Bà Thanh quày quả bước qua bên kia đường mua cho Phúc bịch rau má đậu xanh. Rồi bà lấy xe đi về trước.
Một mình Phúc ở lại, cô nóng ruột nhìn trời:
– Chắc mưa quá!
Cô lấy trong xe ra tấm bạt. Cô bắt đầu che kín hàng lại, buộc dây cẩn thận. Trời ngả màu tối. Mây đen kéo về đen kịt.
– Chắc chắn mưa rất lớn.
Cô lại sốt ruột ngóng ra đầu đường.
– Ông Khải mắc dịch. Hẹn hò gì với bà Thuý mà giờ này chưa ra nữa. Mưa tới nơi rồi.
Phúc càu nhàu một mình. Cô nhảy phóc xuống. Đến bên chiếc xe ba bánh đầy nhóc nặng nề đang nằm im lìm dưới tấm bạt xanh dương.
Cô lưỡng lự một chút bên cái ghi đông xe.
– Nặng đấy! Nhưng thây kệ, đẩy một chuyến cho ông Khải lé mắt chơi.
Phúc cong lưng xuống đẩy chiếc xe.
– Không có anh xe vẫn lăn bánh.
Thường ngày Phúc đẩy phía sau, anh Khải kéo phía trước. Hôm nay chỉ một mình mình. Phúc thấy “cũng hơi chăm đây”.
Ra khỏi chợ một chút xíu mưa bắt đầu xối xả và gió nữa. Gió tạt vào mặt Phúc làm cô tối tăm mặt mũi, chiếc xe nặng hơn cô tưởng nhiều. Cái chất bướng làm cô ráng sức đẩy xe lên dốc cầu. Nước mưa chảy vào mắt làm cô nhắm lại. Một chiếc xe lam chạy ngược chiều bên kia bỗng nhiên trượt tay lái đâm vào xe Phúc. Cô hốt hoảng buông tay né vào phía trong. Lúc này chiếc xe ba bánh đã lên quá nửa dốc cầu, xe không có người kèm đang đổ dốc một cách nguy hiểm.
Như một phản xạ, Phúc nhào tới trước chụp được cái yên sau, cô cố níu nó lại, nhưng chính cô lại bị xe ba bánh kéo xuống theo.
Mất bình tĩnh, cô không biết làm sao, hai chân cô sút cả dép bị kéo lê trên đường.
– Chắc chết! Chắc chết!
Một bóng người từ lề đường phóng ra kéo chiếc xe lại. Phúc nghe có tiếng hét lớn:
– Bình tĩnh… Buông xe ra mau
Phúc mệt lả người vì hốt hoảng. Cô vội buông tay ra. Người đàn ông chạy nhanh theo chiếc xe cố kềm cho nó xuống dốc chậm lại.
Bây giờ Phúc mới nhận thấy hai chân mình run lẩy bẩy. Cô chạy theo sau xe như một người mộng du. Cuối cùng chiếc xe ba bánh dễ ghét cũng đã ngừng ngay chân cầu.
Tiếng anh Khải la um sùm làm Phúc tỉnh lại:
– Em cả mô hả Phúc? Ai bảo đẩy xe một mình?
Phúc vuốt mặt liên tục. Mưa lớn quá mức làm người cô lạnh run. Bỗng dưng cô tủi thân hết sức, nước mắt cô chảy lẫn với nước mưa. Cô tức tưởi nói qua tiếng khóc.
– Chờ anh biết bao lâu. Em đẩy về giữa đường trời mưa… biết làm sao?
– Anh có muốn đâu. Xui quá trời! Xe tông gãy tay rồi nè.
Phúc giật mình lo lắng, cô thấy anh Khải trùm kín người dưới một cái ponsô. Chiếc xe đạp ngã bên lề cầu. Còn đứng khoanh tay tựa xe ba bánh dưới mưa là một người lạ. Hắn ta đang chắm chút nhìn cô bằng ánh mắt nửa cười nửa thương hại. Cô bối rối hỏi anh mình:
– Trời đất! Thật hả? Rồi sao?
– Sao gì giờ này mà sao. Tay anh cột tòn ten dưới áo mưa nè.Thấy trời mưa là anh lo cho em muốn chết. Anh nhờ Nguyên chở ra chợ mới biết là em đẩy xe về rồi.
Khải chợt dừng lại, anh nhíu mày nhìn cô:
– Áo mưa em đâu?
Phúc chợt nóng bừng hai má. Cô nhìn xuống mình. Chiếc áo thun vàng ướt nhẹp sát vào người và chiếc quần jean bạc phếch sũng nước làm cô vừa lúng túng vừa mắc cỡ quá sức…
Tiếng Khải vang lên lẫn với tiếng mưa:
– Nguyên phụ anh em mình một tay nhé?
Rồi tiếng người rất ấm vang lên:
– Được thôi! Mình bắt đầu thích đẩy xe ba bánh rồi đấy.
Mưa vẫn đổ như trút. Phúc chợt nhớ ra nãy giờ cả ba đứng nói như gào dưới mưa. Cái tên Nguyên cũng chẳng có áo mưa như cô. Phúc bắt đầu lạnh run người và thấm mệt. Mũi cô nghẹt cứng và khó thở.
Nguyên nhìn cô ái ngại:
– Phúc dắt xe cho Khải. Tôi đẩy xe một mình được rồi. Hay là Phúc đạp xe về trước đi. Chắc lạnh lắm rồi!
Khải cũng nói vô:
– Ờ! Em đạp xe về trước đi Phúc.
Cái tính bướng bỗng nổi dậy trong Phúc
– Em còn đẩy được mà. Người một tay cho nhanh.
Nói xong Phúc bắt đầu khom người ngồi xuống đẩy xe. Nguyên kéo phía trước Khải một tay dắt xe đạp đi theo.
Về đến nhà. Trời vẫn còn mưa. Mưa như trút những cái bực bội xuống chốn trần gian đang muốn phát cuồng vì nóng bức.
Thơ đứng lấp ló sau bếp:
– Trời ơi! Má lo con Phúc ngoài chợ một mình nên đạp xe ra với con Mai rồi.
Phúc nói bằng giọng nghẹt nghẹt:
– Anh Khải bị xe tông gãy tay rồi!
Thơ sửng sốt:
– Thôi chết rồi. Băng bó gì chưa?
Khải bước vào phía trong nhà bếp. Anh loay hoay với cái áo mưa.
– Cũng may mới nứt xương chứ chưa gãy. Ờ! Thơ ra phụ khiêng hàng vô. Đứng đó mà nhìn được hà.
Thơ cự nự:
– Mướn người ta đẩy thì để họ với con Phúc khiêng được rồi, kêu em ra cho ướt thêm nữa.
Khải bực bội:
– Mướn ai? Bạn anh đó
Nguyên vội nói:
– Được rồi Khải. Để mình khiêng cho.
Dưới ánh đèn neon hắt ra từ bếp, lúc này Phúc mới nhìn rõ Nguyên hơn. Mặt hắn trông cũng lỳ gớm. Cái miệng rộng mỗi bận nhấc hàng lên lại hơi mím lại trông khá ngạo mạn và cương quyết. Mái tóc đen ướt đẫm bết trên vầng trán rộng. Phúc hơi bất ngờ khi ánh mắt hắn chợt nhìn thẳng vào cô. Tia mắt ấm đấy chớ, nhưng Phúc vẫn thấy mình rất lạnh, cô choáng váng xây xẩm rồi chợt khuỵ chân xuống.
Bà Thanh vừa đạp xe về tới cổng. Bà hốt hoảng kêu to:
– Phúc! Phúc!
Nguyên cũng kjp với theo người Phúc và kéo cô ngã vào lòng mình. Nguyên bế Phúc gọn lỏng trong vòng tay và vội vã bước vào nhà.
Bà Thanh cuống lên:
– Đem em vào trong thay quần áo, đánh gió cho nó.
Nguyên bế Phúc vào phòng bà Thanh. Người cô lạnh ngắt, gương mặt xanh mướt. Anh bảo Mai:
– Thay quần áo, lau cho thật khô. Đánh dầu vào và trùm mền thật kín. Kiếm một tí rượu hay sữa nóng cho uống. Chắc tại Phúc đói và lạnh quá…
Phúc đã mở mắt, cô gượng ngồi dậy. Nguyên và Khải bước ra ngoài.
Khải lẩm bẩm:
– Tội nghiệp con bé. Nó cố sức quá mà.
Ngoài trời mưa đã ngớt nhưng không dứt hẳn. Nước ngoài sân còn ngập lênh láng. Những chiếc lá mận khô cứ trôi theo nước.
Khải đốt một điếu thuốc gắn lên môi Nguyên:
– Coi chừng đến ông xỉu bây giờ.
Quay vào nhà Khải gọi:
– Thơ ơi! Lấy bộ đồ của dượng út cho Nguyên thay đỡ. Cậu ấy cũng bắt đầu run rồi đấy.
Nguyên xua tay:
– Thôi! Mất công. Mình cũng phải về, tối lắm rồi.
Thơ từ trong nhà bước ra, cô đon đả như để xoá sự hiểu lầm lúc đầu của mình:
– Anh Nguyên có về cũng phải thay quần áo khô mới về. Thơ pha hai li sữa nóng rồi. Anh phải uống một li mới được.
Nguyên nhìn Thơ rồi bỗng nhiên anh thật lạnh lùng:
– Cám ơn Thơ. Tôi phải về. Tôi thích mặc ướt mà đi trong mưa. Thơ và đánh dầu thật nhiều cho Phúc, rồi cho cô ấy uống sữa.
Bà Thanh bước ra, gương mặt đã bình tĩnh:
– Ôi! Con Phúc làm má hết hồn. Hồi nào đến giờ nó có bệnh hoạn gì đâu.
Khải lắc đầu rầu rĩ:
– Sáng mai không biết sao đây. Hai anh em trên chiếc xe ba bánh từ bị thương đến chết.
Bà Thanh chống tay có vẻ suy nghĩ. Nguyên rít một hơi thuốc thật dài nhìn mông lung ra sân. Tiếng anh vang lên trầm ngâm:
– Bác để cháu phụ đẩy xe giùm Khải vài hôm.
Bà Thanh nhìn Nguyên như muốn hiểu sâu hơn lời nói của anh. Rồi bà mừng rỡ:
– Nếu thế thì đỡ cho bác biết mấy. Vậy sáng mai khoảng năm giờ rưỡi đến đây, ăn sáng với bác rồi phụ bác. Bây giờ thay quần áo đi cho ấm.
Nguyên mỉm cười:
– Dạ! Mất công quá. Cháu mặc vầy được mà. Giờ cháu xin phép bác, cháu về.
Quay sang Khải, Nguyên hỏi:
– Khải về không, ta chở luôn?
– Vậy thì tốt quá! Con về luôn má út ơi!
*
**
Mọi người trong nhà đã đi hết. Ngôi nhà trở nên trống và vắng tanh. Phúc nằm một mình trên lầu nghe thời gian như ngừng lại. Cô nhớ vơ vẩn nghĩ lung tung.
Buổi tối ấy cô sốt suốt đêm và mê sảng đủ thứ. Viêm phổi. Cô Trâm đến khámvà chích thuốc cho Phúc. Hôm nay cô ngồi dậy được rồi nhưng vẫn còn sốt và ho nhẹ.
Nằm bệnh thật là khủng khiếp đối với một người tay chân không khi nào ngừng nghỉ như anh Khải thường nói về cô. Hồi nhỏ Phúc nhớ mình bị nổi trái rạ. Lần ấy cô sợ lắm. Có những mụn mủ đầy người, hôi và đau, dơ bẩn và khó chịu. Bác sĩ cấm không cho ra gió và tắm. Thế mà cô đã lén mẹ tắm đại nước lạnh. Cô bị ông Triệu hét cho một trận nên thân. Đến bây giờ cũng đã mười mấy năm cô mới biết bệnh là thế nào.
Mấy hôm đầu bà Thanh và hai cô chị thay phiên nhau ở nhà với cô. Ai cũng lo lắng, chăm sóc, chiều chuộng làm Phúc phát ngượng. Cô cứ luôn miệng càu nhàu:
– Con bị cảm lạnh chớ có sao đâu mà má lo. Con ở nhà một mình được rồi.
Để bây giờ một mình trong nhà, cô cứ nằm lăn qua trở lại.
Ngoài cửa sổ, nắng lung linh theo những ngọn lá đong đưa. Trời xanh ngắt và trong veo. Phúc nhìn màu xanh ấy mà nghĩ bâng quơ. Cô buồn bực đưa tay mở cassette. Tiếng đàn dương cầm thánh thót vang lên từng note nhạc réo rắ, từng giọt thời gian rơi rụng, từng sợi tơ đàn ngân nga. Phúc nằm một mình và cảm nhận sự cô đơn qua từng âm thanh mượt mà ấy.
Richard Clayderman Vol. Này em có nhớ…
Băng nhạc này ở đâu vậy? Rồi băng này nữa. The name of the game…
Chắc anh Khải cho mượn… Nằm nghe nhạc một hồi Phúc ngủ thiếp đi. Đến lúc có tiếng anh Khải nói gìđó với ai cô mới thức dậy.
– Có người đến thăm “Gỗ mun” kìa. Đừng có mà nhõng nhẽo nữa.
Cô lật đật ngồi dậy. Bước ra ngồi ngoài phía bàn học. Anh Khải đẩy Nguyên tới rồi kéo ghế anh ta ngồi.
Thật bất ngờ. Phúc liếc anh Khải ấm ức: “Tự nhiên lại dẫn hắn ta lên tuốt dây.Mình mới ngủ dậy, chắc mặt như mèo ốm…”
Nguyên tự nhiên nhìn Phúc. Anh ta mỉm cười:
– Hôm nay Phúc đã đỡ chưa?
– Dạ, đỡ nhiều…
Phúc im lặng. Cô bối rối nhìn anh Khải. Anh đang mở cassette. Anh chọn một băng nhạc khác thay vào rồi hỏi Phúc:
– Nhạc nghe được không?
Phúc nhè nhẹ gật đầu. Khải nheo mắt:
– Cứ yên trí mà nghe. Anh vừa có một chỗ mượn. Muốn nhạc gì cũng có trừ cải lương.
Phúc cười cười trêu Khải:
– Mấy hôm nay em lại muốn nghe cải lương mới kì chứ?
Khải hóm hỉnh:
– Sau một cơn bệnh, em thay đổi theo chiều hướng tốt. Ai thích nghe cải lươnglà người đó có nhiều trắc ẩn như… tuồng cải lương.
Khoanh tay lại Khải hỏi Phúc:
– Em đang có tâm trạng gì vậy?
Phúc cười, cô thấy Nguyên hơi nhếch mép. Cô chẳng biết nói gì với hắn ta, nên cô đành quay ra trả đũa Khải:
– Em chẳng có tâm trạng gì hết. Chỉ có những người đang yêu như anh mới lo đủ thứ. Còn em hả. Muốn nghe cải lương cho mình có cảm tưởng quanh mình có nhiều người, nhiều cuộc đời và nhiều tiếng động. Chớ nằm mấy ngày chỉ nghe tiếng hát, tiếng đàn đơn địêu, buồn lắm.
Khải ngớ ra:
– À! Ra thế. Lâu lâu lại đổi tông ai biết đâu mà chiều.
Phúc thấy mình vẫn còn hơi choáng váng. Cô ráng bắt chuyện với Nguyên:
– Hôm nay anh Nguyên đẩy xe chắc rành lắm rồi?
Anh lại nhếch mép cười;
– Bảo đảm xúông dốc không trượt tay lái.
Rồi anh lại tiếp.
– Tôi tới thăm Phúc một chút. Chúc Phúc mau khỏi bệnh.
Nguyên đứng dậy. Khải cũng đứng theo. Phúc vẫn còn ngồi. Bỗng dưng cô lại muốn nằm lì trong giường. Có cái gì nghèn nghẹn lại ở ngực Phúc. Cô bặm môi nhìn theo. Khải quay vào:
– Để anh mượn cho vài tuồng cải lương.
Phúc gượng gạo lắc đầu:
– Lúc nãy em đùa mà anh tưởng thật à?
Phúc bước đến giường, cô nằm xuống, rồi lại ngồi dậy đi tới bên chiếc gương treo trên vách. Cô nhìn thấy một gương mặt hơi xanh và phờ phạc. Cô không ngờ mình hôm nay trông tệ thật. Thờ thẫn, Phúc trở lại nằm ôm gối:
– Người gì đâu khô khốc. Ai cần đến thăm… Mà đến thì ít ra cũng hỏi han này nọ. Dễ ghét, làm cái giọng ta đây. Tới thăm người bệnh nói được hai câu cụt lủn…
Cô nhắm mắt lại, gương mặt Nguyên lại rõ mồn một. Đêm đầu tiên mê sảng, cô cứ thấy mình bị xe ba bánh kéo tuồn tuột xuống dốc. Rồi Nguyên chạy theo níu cô lại. Có lúc cô thấy Nguyên kéo cô chạy đi đâu không biết. Còn anh Khải cứ cười cười mà không chịu “cứu” cô… Người cô lạnh run rồi nóng không chịu nổi…
Cô cũng ngạc nhiên khi thấy mình như có ý trông hắn đến thăm. Sáng nào, chiều nào cô cũng nghe tiếng chị Thơ cười ròn rã lúc dọn hàng… lúc gặp hắn thì cô lại thất vọng… Có lẽ hắn đến thăm Phúc chỉ vì phép lịch sự thông thường đo thôi. Hắn làm sao có chuyện gì để nói với cô.
Cô Trâm dịu dàng ngồi xuống bên Phúc:
– Sao cô bé? Hôm nay còn sốt không?
Phúc ngoan ngoãn lắc đầu:
– Đừng chích nữa cô ơi!
– Lớn rồi mà sợ chích à?
Phúc nũng nịu:
– Ôi! Cô chích thuốc gì mà tay chân run như bà già, còn cái môi cứ tê rần hoài, cháu khó chịu quá
Cô Trâm kéo mũi Phúc:
– Tại lười ăn, cháu ăn được không?
– Lạt miệng quá cô ơi!
– Thế ô mai đâu, sao không ngậm? Thôi! Hôm nay cô tha cho. Cho uống thuốc hà! Khỏi chích!
Phúc nhìn cô Trâm ngập ngừng:
– Cô ơi!
Cô Trâm ngạc nhiên:
– Gì đó Phúc?
– Bộ cháu giống cô Út lắm hả?
– Ừ!
– Sau cháu có thấy cháu giống cổ chỗ nào đâu?
Cô Trâm trầm ngâm:
– Nếu nhìn cháu rồi nhìn hình cô Út trên bàn thờ thì không giống đâu. Nhưng tiếng nói, nụ cười, vóc dáng thì giống lắm.
– Còn tính tình thì sao hả cô?
Cô Trâm nghiêm nghị nhìn Phúc. Cô nói rất ngắn:
– Cô hy vọng tính tình hai người hoàn toàn khác nhau.
– Sao vậy cô?
Cô Trâm im lặng. Cô soạn thuốc đưa cho Phúc:
– Nhớ ráng ăn. Không thì lâu lại sức lắm.
Cô Trâm về rồi. Phúc tần ngần một chút. Cô ngồi dậy ra phía trước tủ thờ. Cô nhẹ nhàng nhấc hình cô Út lên, cô lấy quyển nhật kí xuống.
– Buồn quá! Ở không làm gì mà không đọc…
Cô vào nằm trên giường bắt đầu mở ra
“Đêm…
Thế là chúng ta đã nhận ra nhau. Tại sao câu nói đầu tiên của anh lại là như thế nhỉ? Thế giới này rộng lớn quá mà sao chỉ hai ta nhận ra nhau giữa đám đông xa lạ này?
Cái quán cà phê nhỏ ấm cúng với bức tranh rừng thu to hết vách tường. Chiếc bàn gỗ nâu vương, hai tách cà phê đen sóng sánh… Đoá hồng cam cô độc… Và gì nữa, tiếng hát trầm đục của người ca sĩ…
Sầu thôi xuống đây! Làm sao em nhớ mưa ngoài sông bay, lời ca anh ngỏ…
Cám ơn khu rừng mùa thu và lời ca buồn bã. Một ngày đáng nhớ đã qua…
Cám ơn cái bắt tay thật nhẹ của anh”
“Đêm…
Em đã giận nhỏ Trâm. Nó đã xúc phạm em khi nói về anh như thế. Trâm bảo em quá lãng mạn và mê muội. Trâm bảo anh không hề yêu em mà chỉ xem em như một trò chơi. Một trò chơi có tên hẳn hoi. Trâm không hiểu rằng tình yêu là một sự tự nguyện hay sao ấy, em yêu anh và chấp nhận phần thua thiệt…”
Phúc lật tiếp một số trang khác. Cô chẳng hiểu gì Út viết thế nghĩa là sao…
Ngày…. Tháng…năm
Khi hôn nhau người ta có thể nói nhiều điều mà khi yêu người ta chưa nói được. Anh có thấy như thế không? Môi anh ấm và ân cần biết bao. Dù chưa lần nào nói yêu em nhưng em có cần chi lời nói đó. Em chỉ cầ anh và em đã có được anh rồi. Có thể căn phòng anh đã có nhiều cô gái khác rtước em. Có thể lọ hoa kia đã từng được cắm nhiều bông hồng, nhưng có sao đâu. Hôm nay em đến với anh. Anh có hiểu không. Tình yêu nào cũng có hạnh phúc và niềm đau, Hạnh phúc em xin dành trọn cho anh còn nỗi đau em xin giữ lại…”
– Phúc!
Cô giật mình ngước lên, bà Thanh đang chăm chú nhìn Phúc.
– Con đọc gì vậy? Chưa hết bệnh mà cứ không chịu ngủ. Lục đục, lục đục hoài rồi than nhức đầu.
Phúc thành thật nhìn mẹ:
– Con đọc cuốn nhật kí của cô Út chớ có đọc gì nặng đầu đâu mà má lo,
Mặt bà Thanh bỗng hơi thay đổi sắc:
– Ai cho phép con đọc? Đọc lâu chưa? Tại sao con biết nó? Đưa đây cho má.
Bà Thanh dằn lấy quyển sổ trên tay con, bà vội vã nhìn vào như muốn biết cô đọc đến đâu. Phsuc hơi ngạc nhiên vì hình như từ nhỏ đến giờ bà chưa lần nào có thái độ hơi mạnh bạo như thế với các con. Cô ngỡ ngàng nhìn mẹ:
– Con thấy hôm dọn bàn thờ. Con đâu biết là không được phép đọc, tại nằm buồn quá…
Bà Thanh im lặng xếp cuốn sổ lại. Bà đưa cho Phúc một bịch ô mai:
– Ngậm cho sạch miệng. Của thằng Nguyên mua cho con.
Phúc nhún vai, bà Thanh hỏi con:
– Sao thế? Ngán ô mai à?
– Dạ không.
Phúc nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Cô không biết phải giải thích làm sao với mẹ về cái nhún vai của mình. Đột nhiên cô quay lại:
– Má à! Sao má không cho con đọc cuốn nhật kí đó?
– Má thấy không nên. Cô Út chết rồi. Chuyện yêu đương riêng tư của cô con biết làm gì cho thêm suy nghĩ. Hãy để những thứ ấy chìm vào quá khứ.
– Thế sao hồi đó không đốt nó đi?
– Con sao lúc nào cũng vậy. Cái gì cũng hỏi như con nít. Chuyện gì cũng hỏi nà, hỏi tới, hỏi cho bằng được. Có những cái phải tự suy nghĩ ra mà hiểu chớ.
Ngừng một chút, bà Thanh nói tiếp:
– Có những câu hỏi người ta nghĩ rằng mình cắc cớ muốn bắt bí họ, cũng có những câu hỏi người ta cho rằng mình ngốc nghếch hay ngớ ngẩn. Tốt nhất là phải biết hỏi cho đúng lúc, đúng câu và đúng…
– Và đúng điệu.
Phúc mỉm cười vuốt đuôi. Bà Thanh cũng cười theo.
– Con lúc nào cũng giỏi lắm. Liệu đấy. Lớn rồi phải biết suy nghĩ kĩ khi nói, khi nghe.
Phúc nhìn theo dáng bà Thanh đang bước xuống lầu. Cô thầm thì với mình:
– Có những câu hỏi mà người ta phải giữ lại cho mình và suốt đời mang theo.
Cầm bịch ô mai trên tay, cô nghĩ tiếp:
– Gói ô mai này có cho ta một câu trả lời nào không nhỉ? Tại sao? Tại sao?
*
**
Sáng nay Phúc dậy sớm. Tiếng mọi người vọng lên dưới nhà làm cô nôn nao. Cô nghe tiếng Nguyên rồi tiếng cười của Thơ. Cũng tội cho chị Thơ và chị Mai. “Gỗ mun” bận rồi thì hai chị đành phải khiêng hàng phụ “người ta” thôi.
Chiếc xe ba bánh đi rồi. Sao mình lại quan tâm nhỉ?
Bưng li sữa còn nóng, cô cố gắng uống từng ngụm một. Anh Khải đã trêu cô:
– Nè! Ráng uống sữa đi cho giống người bệnh chớ.
Tới hôm nay, Phúc ráng hết nổi rồi. Uống sữa quả là một cực hình.
Cô ngồi dậy khoác chiếc áo ấm màu đỏ vào và nhè nhẹ bước xuống cầu thang. Người cô nhẹ bẫng, chao đảo.
– Chao ôi! Mình mất sức dữ vậy sao? Phải vận động, nằm một chỗ hoài giống như chết…
Cô bước ra vườn. Sáng nay sao lạ thế! Chỉ cơn mưa hôm đó thôi mà bao nhiêu thay đổi. Lá cây xanh mượt mà, đất mềm mại dưới chân. Cỏ bắt đầu lún phún mọc đầy sân. Đám dương sỉ đâm những tược non yế đuối đang lả lơi theo gió.
Phúc rẽ sang tay phải rồi ngồi xuống chiếc ghế đá quen thuộc nằm dưới giàn dạ lí hương. Chiếc ghế lạnh buốt làm cô khẽ rùng mình. Tiếng ve sầu đau đó chợt vang lên rồi im bặt. Lặng lẽ, cô cầm chiếc lá rụng trên ghế nhìn chăm chú. Cái thế giới màu sắc kì diệu thu gọn trong chiếc lá. Chỗ xanh đậm, chỗ vàng tươi, chỗ đỏ, chỗ lấm tấm nâu.
Rồi như linh cảm, cô bất thần quay người lại. Nguyên đứng sau lưng cô tự lúc nào. Cô ngồi dưới thấp ngước lên nhìn anh, tự dưng Phúc thấy mình bé nhỏ với dáng cao lớn của Nguyên. Anh đang ngạo mạn nhìn cô với đôi mắt của người khám phá ra điều mới lạ. Miệng nhếch cười vừa như chế giễu, vừa như tội nghiệp.
Mặt Phúc bỗng nóng bừng bừng:
– Hắn đã ẵm mình vào nhà… Bây giờ hắn nhìn mình bằng cái nhìn thật bất lịch sự.
Giọng Nguyên vang lên ấm áp, gợi cảm làm Phúc khó tìm được thêm cái để nghĩ xấu cho anh:
– Phúc đã thật sự khoẻ rồi chứ? Ra vườn sớm không lạnh sao?
– Không!
– Nằm một chỗ chắc buồn lắm?
– Vâng!
– Có nghe nhạc không?
– Có!
– Ô mai ngon chứ?
– Ô mai hả? Tuyệt!
Nguyên lấy trong túi áo ra một gói nhỏ? Miệng cười thật lôi cuốn:
– Phúc ăn đi cho khỏi nhạt miệng. Dạo này không hiểu sao tôi cũng đâm ra thích ô mai.
Phúc chưa có phản ứng gì thì Nguyên đã đặt gói ô mai vào tay cô. Bàn tay Nguyên với những ngón tay dài nhưng mạnh mẽ màu hồng nêu bên bàn tay Phúc nhỏ bé, xanh xao với những đường gân mờ mờ.
Sáng nay Phúc mặc bộ đồ trắng lấm tấm những bông hoa hồng nhỏ trông cô thật hiền lành như một tiểu thơ hay e lệ. Chiếc áo lạnh đỏ choàng hờ hững trên bờ vai làm gương mặt cô hồng lên một chút.
Mắt Nguyên hình như không rời khuôn mặt cô. Có lẽ vì anh đang ngạc nhiên vì cô hôm nay trông khác hẳn cô gái áo vàng mạnh mẽ trong buổi chiều mưa như trút ấy và cũng không giống cô gái bẽn lẽn rụt rè trên lầu mà anh mới đến thăm hôm kia.
Phúc cũng đang mở to đôi mắt nâu nhìn tỏa lại anh như thách thức:
“Hắn ta trông ngang tàng biêt bao và cũng lạ lùng biết bao . Hôm nay Nguyên thật phong trần với cái quần bạc phếch, và chiếc áo caro rộng ngắn tay. Hàng ria mép lười cạo, phớt đời một cách dễ ghét dưới chiếc mũi cao thẳng, thanh tú trên gương mặt rộng rãi nét đàn ông rất kì…
– Tại sao phải chú ý đến hắn ta…
Cái cảm giác ngã xuống mơ hồ nhớ nhớ, quên quên trong PHúc. Phúc chỉ nhớ hình như có ai đưa tay ra ôm Phúc vào lòng, cô cảm thấy ấm và khi tỉnh lại cô đã thấy mình nằm trong giường má với bao nhiêu lớp mền và bao nhiêu là mùi dầu gió kim.
Cô chớp chớp mắt. Rồi như để giấu những cảm xúc trong lòng, tự nhiên Phúc lại nói những lời khách sáo không thua gì cách nói của chị Mai:
– Cám ơn anh Nguyên đã phụ má Phúc mấy hôm nay…
– Tôi phụ bác đâu phải để nghe Phúc cảm ơn.
Phúc sững người một chút. Khoanh tay nhìn Phúc với cái nhìn của người lớn với trẻ con.
– Tôi về, chúc Phúc mau hết bệnh.
Vẫn câu nói khách sáo cũ rích. Trái tim Phúc bỗng thắt lại. Cô bặm môi ngăn tiếng gọi của mình. Cô thèm được nói chuyện biết bao. Nhưng cô vẫn im lặng nhìn Nguyên bước thật nhanh.
Trên đất lác đác vài chiếc lá rơi. Nguyên ngần ngừ trước bụi hoa lài. Anh hái một bông búp đem đến để vào lòng bàn tay Phúc.
Đôi mắt Phúc đang long lanh ấm như một chút mặt trời bỗng bất ngờ nhanh chóng trở nên lãnh đạm đáp lại ánh mắt anh. Nguyên thâấ lòng mình xôn xao kì lạ. Anh nhếch môi kiêu bạc thầm nghĩ:
– À! Ra “Gỗ min” là như thế!

VN88

Viết một bình luận